kỳ vọng

Gạt Bỏ Kỳ Vọng Từ Người Khác Để Sống Cuộc Đời Của Riêng Bạn

Bạn đang làm nhà nước, muốn theo đuổi giấc mơ trở thành người viết tự do. Nhưng cha mẹ, gia đình, người thân và họ hàng không đồng ý. Nhẹ nhàng thì mọi người gọi đến khuyên răn làm việc tự do bấp bênh, không ổn định, về già không có đồng lương dựa dẫm, sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Nặng nề hơn, mọi người không ngại nói thẳng: “Mày mà làm thế tao chỉ còn nước đeo mo vào mặt”. “Nếu có ai hỏi con cháu làm ở đâu thì chẳng biết trả lời làm sao?”. “Nói làm việc ở nhà chẳng khác nào nói thất nghiệp, nếu không người ta lại hỏi tưởng nó học đại học A đang làm ở chỗ X cơ mà? Chỗ tốt thế sao lại bỏ? Có “phốt” à?”. “Còn mặt mũi đâu mà nhìn ai nữa?”…

Kết quả, bạn yên phận với công việc được cho là “ổn định” của mình. Ngày ngày bạn vẫn chiến đấu với sự nhàm chán, mệt mỏi, vô nghĩa và mơ về giấc mơ tự do. Bạn không bao giờ dám bước ra vì sợ sẽ phá vỡ kỳ vọng to lớn của mọi người dành cho mình – “niềm tự hào” của cả gia đình và họ hàng.

Nhưng, bạn có biết…

“Nhu cầu của bạn là quan trọng. Đừng tảng lờ chúng. Thi thoảng, bạn phải làm những việc tốt nhất cho chính bạn và cuộc sống của mình, chứ không phải là tốt nhất đối với những người khác.”

Marc and Angel Chernoff

Nói cách khác, đôi khi, bạn cần gạt bỏ kỳ vọng từ người khác để sống cuộc đời của riêng bạn, theo cách mà bạn muốn.

Kỳ vọng từ người khác 

Chắc hẳn, trong cuộc đời đã có đôi lần bạn đối mặt với kỳ vọng của người khác. Bạn cảm thấy thế nào? 

Căng thẳng, khó chịu, mệt mỏi, buồn bã, chán nản, cô đơn, lạc lõng, trầm cảm,…?

Liệu có cảm giác nào tích cực, khiến cuộc sống của bạn thăng hoa? 

Hay tất cả chỉ khiến tinh thần bạn kiệt quệ và suy sụp?

Đâu là những kỳ vọng bạn đã từng đối mặt?

  • Liệu đó có là việc phải có nhiều bạn bè? Không những vậy, nếu họ không phải là người nổi tiếng thì cũng phải là những người thành đạt, giàu sang, có quyền lực?
  • Là việc bạn phải cực kỳ giỏi giang ở một lĩnh vực nào đó? 
  • Là việc trở thành người bận rộn trong công việc nhưng vẫn có thể thu xếp chăm lo chuyện gia đình, dòng họ đâu vào đó, một mình “gánh cả giang sơn”? 
  • Là việc luôn phải xuất hiện rạng rỡ và hạnh phúc bất cứ lúc nào để ai ai cũng ngưỡng mộ và ghen tị?
  • Là việc phải đi theo con đường giáo dục truyền thống, tốt nghiệp cấp ba xong phải vào bằng được đại học, “cày” thật chăm chỉ để có tấm bằng loại ưu, xin được công việc ổn định, lương cao, rạng danh dòng họ?
  • Là việc phải hoàn thành việc gì đó ở đúng ngưỡng nào đó. Ví dụ như lấy chồng khi 25, có con trước 30, có nhà, có xe vừa vặn 30, thăng tiến không quá 35, vân vân…
  • Là việc phải duy trì hình ảnh, cách cư xử và đưa ra lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh gia đình?
  • (Dành cho bạn kể tên vấn đề của mình)

Ngừng sống với kỳ vọng từ người khác

Nếu bạn đang sống với những kỳ vọng từ người khác và thấy quá ngột ngạt, bức bối, thậm chí trầm cảm, đã đến lúc bạn cần thay đổi tư duy để thực sự sống cuộc đời “của mình – do mình – vì mình”.

Sau đây là một vài điều bạn cần nhắc nhở bản thân và thực hành để giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình.

1. Thừa nhận bạn quan tâm đến những gì người khác nghĩ

Soi chiếu vào sâu bên trong bản thân mình và tự hỏi: “Liệu bạn có thực sự quan tâm đến những gì người khác nghĩ?”. Chắc là có. Vì quan tâm nên bạn khổ sở, “tiến thoái lưỡng nan” khi không biết phải làm sao để vừa hài lòng người khác,  vừa sống cuộc đời của mình. Thừa nhận sẽ giúp bạn đối mặt với sự thật và là chuẩn bị cho những chuyển biến tích cực khác trong tư duy. 

2. Dù như vậy thì “là chính bạn đã đủ tốt”

Nghĩ thật kỹ, bạn có thấy tuyệt vời khi được là chính mình? Bạn không cần phải đeo lên một chiếc mặt nạ giả tạo, cư xử không giống mình, cố gắng hành động đi ngược với bản chất thật của mình chỉ để hài lòng người khác.

Quan trọng là bạn không cần ai đó phải nói với bạn như thế nào mới là tốt, là thành công và hạnh phúc. Bạn không cần họ chỉ dạy cho bạn phải làm thế nào với cuộc sống của mình. Vì đơn giản “là chính bạn đã đủ tốt”. Vì chỉ có bạn là người hiểu mình nhất và biết được đâu là điều cần thiết đối với cuộc sống của mình, và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Kể cả khi bạn vẫn còn nhiều hoài nghi, lo lắng, sợ hãi với những vấn đề của riêng bạn, tư duy tích cực “là chính bạn đã đủ tốt” sẽ giúp bạn có thêm dũng cảm và tự tin để sống cuộc đời mình mơ ước.

3. Đừng để kỳ vọng của người khác trở thành kỳ vọng của bạn

Nếu như mọi người trong gia đình, họ hàng không mấy vui vẻ về những điều bạn đang làm, thì chính kỳ vọng của họ đã trói buộc họ và khiến họ không hạnh phúc. Không phải lỗi của bạn. Đừng thấy có lỗi mà sống trái với con người thật của mình. Vì nếu bạn làm điều này trong thời gian dài, bạn không còn sống cuộc đời của mình nữa. Bạn đang sống cuộc đời của người khác với mong muốn của riêng họ. 

Tất nhiên, nói thì đơn giản, thực hiện được điều này không hề dễ dàng. Không phải ai cũng có thể dũng cảm đối đầu với những người yêu thương để sống với ước mơ của mình. Chúng ta đều là con người, có tình cảm, cảm xúc và lý lẽ riêng. 

Nhưng hãy cho bản thân một cơ hội suy nghĩ đến điều này. Thử tưởng tượng nếu chỉ có một cuộc đời để sống, không, chỉ còn một ngày để sống, liệu bạn có muốn sống cuộc đời của người khác? 

Kể cả khi bạn sống đúng với những kỳ vọng của họ, liệu họ có thực sự quan tâm và ghi nhận? Họ có chịu trách nhiệm cho những gian nan, khó khăn, vui buồn trên con đường bạn đi? Họ cho rằng họ muốn điều tốt cho bạn, nhưng họ có biết điều gì thực sự tốt cho bạn? (Bằng chính bản thân bạn?)

Bạn có muốn sống cuộc đời như vậy? 

4. Đối mặt với nỗi sợ hãi

Khi nghĩ về kỳ vọng của người khác dành cho mình, điều đầu tiên tôi thấy, đó là sự thừa nhận. Tôi thừa nhận rằng mình quan tâm đến những gì họ nói. Tôi thấy bản thân mình cũng có phần mong muốn những điều đó, nhưng theo một cách khác biệt hơn một chút. 

Ví dụ, bố mẹ tôi mong muốn tôi trở thành một người thành đạt. Tôi cũng muốn như vậy. Tuy nhiên, khái niệm thành đạt của tôi lại không thuận theo tiêu chuẩn của bố mẹ. 

Tôi không nghĩ thành đạt có nghĩa là cắm đầu cắm cổ làm một công việc bản thân không hề yêu thích, không có khả năng phát triển, quần quật từ sáng đến tối muộn, chỉ vì danh tiếng của công ty hay mức lương. Thành đạt với tôi là được làm công việc yêu thích, cân bằng được cuộc sống và công việc để có thời gian cho gia đình nhỏ. 

Thành đạt với tôi cũng không có nghĩa là phải đi xe tiền tỷ, sống trong những căn hộ hạng sang. Dù có thể sẽ có lúc tôi làm vậy, nhưng điều đó sẽ không bao giờ được dùng làm thước đo về sự thành đạt. Tôi chỉ đơn giản coi nhà và xe là công cụ phục vụ cho cuộc sống.

(Nhà tôi có bốn người và vẫn cực hài lòng với chiếc hatchback. Sắp tới mua nhà, chúng tôi cũng muốn một căn nhà nhỏ. Vì chồng tôi và tôi đều thấy căn nhà nhỏ có nhiều cái lợi. Dọn dẹp ít đi, ngăn nắp hơn, mọi người quây quần, chạm mặt nhau nhiều hơn, kết nối với nhau hơn. Là một người ưa tối giản, một ngôi nhà nhỏ lại càng phù hợp với giá trị của tôi.) 

Tôi cho rằng thay vì đánh đổi thời gian, cật lực kiếm tiền cả đời chỉ để mua tiêu sản (nhà và xe), sẽ ý nghĩa hơn khi sống để chia sẻ giá trị có ích tới mọi người, phát triển bản thân, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. 

Nhưng để thành công theo cách của tôi, cũng không dễ dàng gì. Tôi đối mặt với nhiều nỗi sợ và sự bất an. Nhiều khi tôi đã muốn thỏa hiệp. Con đường mà bố mẹ vẽ ra dễ dàng, ổn định hơn. Con đường tôi đi có quá nhiều chông gai, khó khăn, thử thách. Và sẽ ra sao nếu tôi thất bại?

Tôi đã không ngừng sợ khó khăn, sợ thất bại, sợ bị mọi người chỉ trích “đã bảo mà không nghe”, sợ bước ra vòng an toàn của bản thân, sợ phải quay lưng lại với mọi người và lựa chọn con đường của riêng mình và rất nhiều điều nữa. 

Nhưng nếu không bước ra, tôi mãi mãi sẽ không bao giờ biết thế giới khi được sống đúng ước mơ của mình trong như thế nào, sẽ không biết khả năng của tôi đến đâu và có thể làm được những gì. Điều đó thật sự quan trọng nếu như bạn biết mỗi chúng ta ai cũng chỉ có một lần để sống.

5. Thiết lập ranh giới cá nhân lành mạnh

Bạn chấp nhận sống với kỳ vọng của người khác, nhưng vẫn không thể làm thỏa mãn được họ. Bạn đối mặt với răn dạy, chỉ trích, phàn nàn, công kích, nói xấu sau lưng, cô lập?

Có một sự thật là, không bao giờ bạn có thể thỏa mãn hết tất cả mong muốn của người khác. Hoàn thành một việc thì sẽ lại xuất hiện thêm một việc khác. Vì kỳ vọng của họ lên bạn phản chiếu chính xác những ước mơ và mong muốn còn dang dở của họ. Và danh sách này sẽ không bao giờ có điểm kết thúc. Bởi vậy, thiết lập ranh giới cá nhân lành mạnh là điều bạn nên làm. 

Hãy cho họ biết đâu là ranh giới mà họ không thể vượt qua để họ tôn trọng thời gian và năng lượng của bạn. Đừng chỉ vạch ra ranh giới ở trong đầu, vì mọi người sẽ không thể biết.

Bạn cần nói với họ sự thật về mình, về giá trị bạn theo đuổi, về những điều bạn muốn làm với sự nghiêm túc và cương quyết. Không cần quan tâm họ có thể hiểu cho bạn hay không. Thật tốt nếu họ có thể ủng hộ bạn, còn không bạn cũng không thể làm gì khác. 

Mối quan hệ lành mạnh sẽ không bị kiểm soát bởi kỳ vọng. Ngược lại, đó là mối quan hệ mà mọi người luôn ủng hộ, chia sẻ và vun đắp những điều tốt đẹp nhất cho đối phương và ngược lại. 

Đọc thêm: Thiết Lập Ranh Giới Cá Nhân Cho Đời Sống Tinh Thần Khỏe Mạnh

6. Tập trung vào điều bạn có thể kiểm soát

Chúng ta không thể kiểm soát được người khác, chỉ có thể kiểm soát được bản thân mình. Luôn nhắc nhở bản thân điều này đã khiến cuộc sống của tôi thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn nhiều. 

Ngày trước, khi cố gắng sống để làm hài lòng người khác, tôi thường tự dằn vặt bản thân với những câu hỏi kiểu như: “Sao họ không thể hiểu cho mình?”, “Chẳng lẽ họ không muốn mình hạnh phúc?”, “Tại sao cứ liên tục nói những điều khiến mình tổn thương?”,…

Sự thật là chúng ta không thể yêu cầu họ hiểu cho mình hay phản ứng theo cách của chúng ta muốn. Vô tình điều này lại trở thành kỳ vọng của chúng ta đặt lên người khác. Khi không thể đạt được điều mình muốn, chỉ có chúng ta là người bị tổn thương. 

Hiểu rằng chỉ có bản thân kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của mình, tôi không còn trách móc, hờn dỗi, phiền muộn vì cách cư xử của người khác. Thay vào đó, tôi sẽ tự hỏi bản thân có thể làm gì để cải thiện hoàn cảnh, khiến mình thoải mái và vui vẻ hơn. Chuyển hướng sự tập trung về bạn sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực bạn không thể ngờ tới cho cuộc sống của mình.  

7. Vượt qua sự cô đơn

Bạn không cần ai phải “nắm tay sáng ngày đến tối” và cũng không ai có thể làm được điều đó. Bạn chỉ có thể tự đi trên chính đôi chân của mình. Và quan trọng là bạn không cần có sự đồng ý của người khác. 

Tất nhiên, đi ngược lại với số đông không phải là điều dễ dàng. Bạn sẽ thấy cô đơn trên chính hành trình của mình. Chấp nhận sự thật, vượt qua sự cô đơn, và học cách tận hưởng những khoảnh khắc nhỏ bé trên hành trình, bạn sẽ vững vàng tiến về phía trước.

8. Ngừng so sánh bản thân với người khác

So sánh bản thân với người khác có thể khiến bạn cạnh tranh cho những điều không thực sự quan trọng đối với bạn. Đừng bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực của người khác và khiến bản thân thêm mệt mỏi, tổn thương. Hãy nhớ rằng bạn là độc nhất và duy nhất trên Trái Đất này, không ai có thể so sánh được với bạn. 

Đọc thêm: Những Gợi Ý Hiệu Quả Giúp Bạn Ngừng So Sánh Bản Thân Với Người Khác

9. Chiến đấu vì những điều quan trọng với bạn

Tuy nhiên, nếu có bất kỳ điều gì quan trọng với bạn, đừng thỏa hiệp và từ bỏ. Đôi khi, bạn thực sự cần “mặc giáp” để chiến đấu vì một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc hơn, dù có thể, cái giá phải trả không dễ chịu chút nào.

10. Bạn không có nghĩa vụ phải làm hài lòng người khác

Vâng, đúng vậy. Bạn không có nghĩa vụ phải làm hài lòng người khác. Dù mọi người có thể cho rằng như vậy là ích kỷ, chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến người khác, vân vân và mây mây. 

Mối quan hệ với bản thân là mối quan hệ thân thiết và quan trọng nhất. Bạn chỉ có nghĩa vụ sống tốt cuộc đời mình, chăm sóc tốt cho mối quan hệ với chính mình. 

Vì nếu không thể chăm sóc tốt cho bản thân mình, sao bạn có thể chăm sóc và quan tâm đến người khác? Nghĩ kĩ bạn sẽ thấy, thực chất điều này không hề ích kỷ mà còn là việc có ý nghĩa nhất bạn có thể làm cho bản thân và người khác. 

Bây giờ, đến lượt bạn, bạn sẽ làm gì để gạt bỏ đi kỳ vọng của người khác và sống cuộc đời mình mơ ước?

Chia sẻ với The Introvert Writer bằng cách comment cuối bài viết nhé!

Tham khảo: Live Your Life for You, Not to Please Expectations

Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:

1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.

2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.

3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).

4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top